suy ngẫm,

Bằng Cấp Có Quan Trọng Không?

Tuan Anh Ho Dien Tuan Anh Ho Dien Follow Jun 23, 2024 · 4 mins read
Bằng Cấp Có Quan Trọng Không?
Share this

Đặt vấn đề

Bằng cấp có quan trọng không? Đây là một câu hỏi mà nhiều người, đặc biệt là những ai đang theo đuổi con đường học vấn và sự nghiệp, đều từng tự hỏi. Khi nhìn vào những tấm gương thành công của các tỉ phú công nghệ như Mark Zuckerberg, người từ bỏ Đại học để phát triển Facebook, hay Steve Jobs, người nghỉ học giữa chừng nhưng vẫn xây dựng được đế chế Apple, ta dễ dàng bị cuốn vào suy nghĩ rằng tài năng sẽ tự khắc đưa ta đến đỉnh cao mà không cần đến bằng cấp. Tuy nhiên có thật sự đơn giản như vậy không? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy cùng mình xem qua hai câu chuyện thực tế mà mình đã được gặp.

Câu chuyện thứ nhất

Cách đây vài tuần, mình có gác thi cho chứng chỉ Tin học A, một chứng chỉ bắt buộc để tốt nghiệp trường Cao Đẳng Cao Thắng. Trong buổi thi đó, mình gặp một bạn trông khá già so với sinh viên thông thường. Khi nhìn vào căn cước, mình phát hiện bạn sinh năm 1992 - 32 tuổi - tức là bằng tuổi mình bây giờ. Điều này khiến mình thắc mắc tại sao ở độ tuổi này mà bạn vẫn đi thi để lấy bằng, để làm lại từ đầu hay sao? Mình quyết định dành 3 phút để phỏng vấn ngắn :))).

Bạn kể rằng bạn đã nhập học Cao Thắng năm 2011. Khi sắp tốt nghiệp, bạn nhận được cơ hội làm việc tại Nhật dưới diện hỗ trợ cho Kĩ Sư. Dù chưa có bằng chính thức, bạn vẫn quyết định nắm lấy cơ hội này ngay vì sợ sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu chần chừ. Bạn đã làm việc ở Nhật từ đó cho đến đầu năm 2024, đầu năm nay thì công ty yêu cầu bạn phải có bằng để được làm vị trí Kĩ Sư chính. May mắn là bạn đã bảo lưu hồ sơ ở trường và đợt này bạn quay về Việt Nam để hoàn tất việc lấy chứng chỉ Tin học A để có bằng.

Câu chuyện thứ hai

Cách đây hai ngày, mình ở lại khoa để làm việc và gặp một bạn trông khá bồn chồn đứng gõ cửa xin vào Khoa. Bạn vào hỏi về việc xin cấp bằng Tin học A. Lúc đó, mình mới biết bạn học khoa Kế Toán từ năm 2018. Khi bạn học đến năm 3 năm 2021, bạn nhận được cơ hội làm việc tại một công ty mà không yêu cầu bằng. Tuy nhiên, cũng đến năm nay, công ty yêu cầu bạn phải cung cấp bằng thì mới tiếp tục được làm việc. Bạn quay về trường để xin cấp bằng nhưng gặp phải quy định rằng niên khóa 2018 chỉ được trong khung 6 năm, tức là bạn phải hoàn tất mọi tín chỉ trong học kỳ cuối này - năm 2024.

Bạn kể rằng bạn chỉ còn nợ mỗi môn Tin học A, và anh Trưởng Khoa đã giúp bạn học ghép vào một lớp sắp mở. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ hơn trên hệ thống, bạn còn nợ cả môn Anh văn A2, môn mà bạn nghĩ không cần thiết nên đã không quan tâm. Do không bảo lưu kết quả học tập, tên bạn bị xem là inactive. Dù anh Trưởng Khoa đã hỗ trợ hết mức, cơ hội bạn nhận bằng gần như là bằng 0, lúc đó bạn đã rơm rớm nước mắt :((.

Suy ngẫm

Câu chuyện về những người tài giỏi không cần bằng cấp mà vẫn thành công thì có thật, nhưng con số đó rất ít và hiếm. Phần lớn chúng ta là những người bình thường, và việc có một công việc ổn định đã là điều khó khăn rồi, nhất là trong thời buổi kinh tế suy thoái như 2 năm nay. Bằng cấp không đánh giá toàn bộ khả năng của một người nhưng nó là sự ghi nhận cho sự nỗ lực trong một khoảng thời gian nhất định. Khi một doanh nghiệp tuyển dụng, họ làm sao biết được bạn có kiến thức hay sự cố gắng trong một lĩnh vực nào đó? Bằng cấp là minh chứng cho thấy bạn đã nỗ lực và đầu tư thời gian, tiền bạc để đạt được nó.

Qua hai câu chuyện trên, ta thấy rõ ràng rằng bằng cấp không phải là tất cả, nhưng nó cũng là một trong những điều kiện cần trong con đường sự nghiệp. Vì vậy, với mình, bằng cấp là rất quan trọng.

Sài Gòn, 23-6-2024.

Tuan Anh Ho Dien
Written by Tuan Anh Ho Dien
Hi, I am a simple person, love learning and sharing my experience with everyone